Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

BÀN VỀ THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM

                                                     
                       BÀN VỀ THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM
                                  (BÙI CÔNG LƯƠNG  biên tập tổng hợp)

       1.Khái niệm về thơ lục bát :

Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Câu thơ đọc lên mà cứ ngỡ là câu hát hay một bản nhạc, vừa có vần vừa có điệu nghe rất thanh thoát và êm tai. Có nhiều câu lục bát đã đi vào lòng người như một lời ru:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
          Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
                                          (Ca dao)
    Đó còn là hình ảnh của đôi thanh niên nam nữ trong buổi đầu làm quen:
Gặp đây mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(Ca dao)
    Ở đây, từng cặp câu 6/8 đã tạo nên sự hài hoà cân đối, uyển chuyển và mềm mại cùng với cách gieo vần 'đào – vào', 'thưa – chưa' mang lại cho người nghe cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng. Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt giữa thơ lục bát với thể thơ tự do, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn …
    Đề cập đến khái niệm thơ lục bát, có nhiều tác giả, xin trích dẫn một số khái niệm tiêu biểu sau đây:
   Trong quyển 'Tìm hiểu thơ', Mã Giang Lân cho rằng: 'thơ lục bát là thể tổ hợp giữa câu sáu và câu tám. Số câu trong thơ lục bát không cố định, ít thì hai câu thành một cặp (thường gặp trong ca dao, tục ngữ) chủ yếu mỗi bài bốn câu và nhiều câu. Ở những bài thơ nhiều câu, cách phân chia khổ thơ cũng rất linh hoạt'
 Theo ông, thơ lục bát có thể là hai câu, bốn câu hoặc nhiều câu.

  Vần.   Khi đề cập đến cấu trúc của thể loại lục bát, Mã Giang Lân nhấn mạnh đến yếu tố vần trong thơ lục bát: bao giờ cũng là vần bằng, tạo cho câu thơ có thế nhịp nhàng, uyển chuyển. Theo ông, cách gieo vần phổ biến nhất là: chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát và chữ thứ 8 câu bát vần với chữ thứ 6 câu lục kế tiếp:
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
   Lối gieo vần này được thể hiện rõ nét trong những vần thơ lục bát trữ tình:
                 -Chồng sang vợ được đi giày,
Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.
      Trai khôn kén vợ chợ đông,
Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân.
(Ca dao)
                 - Nhà em cách một quả đồi,
Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng.
      Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy anh đừng thương em.
(Nguyễn Bính)
Đó là gieo vần quen thuộc nhưng đôi khi ta vẫn thấy một vài trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như chữ thứ 6 ở câu lục vần với chữ thứ 4 của câu bát theo sơ đồ sau:
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
  Ví dụ:            Núi cao chi lắm núi ơi,
                 Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương.
                     (Ca dao)
  Hay :           Thằng Tây mà cứ vẩn vơ,
               Có hố này chờ chôn sống mày đây.
                    (Phá đường - Tố Hữu)
   Vần trắc chỉ được xuất hiện ở một số bài ca dao nhưng không phổ biến bằng vần bằng:
Tò vò mà nuôi con nhện,
Ngày sau nó lớn, nó quện nhau đi'
( Ca dao)
    Ông cho rằng, cách gieo vần ở câu 8 'tuy là thanh bằng cả nhưng không được trùng thanh mà phải là một thanh huyền, một thanh không. Nếu chữ thứ sáu là thanh huyền (-) thì chữ thứ tám phải là thanh không (0)'hoặc ngược lại .

    Nhịp.   Khi nói đến lục bát, có một yếu tố vô cùng quan trọng không thể bỏ qua, đó là cách ngắt nhịp. Nhờ vào lối ngắt nhịp mà câu thơ giàu cảm xúc, giàu tính nhạc hơn khi nó đến với người thưởng thức. Các tác giả Mã Giang Lân, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hoàn đều cho rằng thơ lục bát theo cách ngắt nhịp sau:
1 2 / 3 4 / 5 6
1 2 / 3 4 / 5 6 / 7 8
   Nhưng cũng có khi ngắt nhịp một, nhịp ba,… hoặc ngắt nhịp hỗn hợp cho thích hợp với giọng điệu bài thơ:
Cái gì như thể nhớ mong,
Nhớ nàng/ Không/ Quyết là không nhớ nàng.
(Người hàng xóm - Nguyễn Bính)
Anh đi đấy/ anh về đâu ?
Cánh buồm nâu/…cánh buồm nâu/… cánh buồm…
(Cánh buồm nâu - Nguyễn Bính)
   Ở thơ lục bát còn có lối ngắt nhịp linh hoạt và ,co giãn câu thơ rất đa dạng ở một số bài lục bát biến thể:
Một chờ hai đợi ba trông,
Bốn thương/ năm nhớ/ bảy tám chín mong/ mười tìm.
   Hay:         Giàu thì thịt cá cơm canh,
         Khó thì lưng rau đĩa muối/ cúng anh/ tôi đi lấy chồng
                    Hỡi anh chồng cũ tôi ơi !
    Anh có khôn thiêng/ thì xin anh/ trở dậy/ ăn xôi nghe kèn !
    Còn trong quyển 'Từ điển Thuật ngữ Văn học' thì định nghĩa về lục bát như sau: 'Lục bát là thể thơ câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ'. Riêng ở quyển 'Từ điển Văn học' , tác giả Phương Lựu lại khẳng định như sau: 'Đây là một thể thơ cách luật cổ điển thuần tuý Việt Nam. Đơn vị cơ bản là một tổ hợp gồm hai câu sáu tiếng và tám tiếng. Số câu của nó không hạn định. Xét về lối gieo vần thì chủ yếu là vần bằng và cứ mỗi cặp hai câu mới đổi vần. Tiếng cuối câu 6 vần với tiếng 6 câu tám, rồi tiếng cuối câu 8 lại vần với tiếng cuối câu 6’.

   Theo đó, Phương Lựu đã đề cập đến vần chân ở câu sáu và câu tám, vần lưng ở câu tám. Lối gieo vần này thường bắt gặp trong cao dao Việt Nam và qua đó ta sẽ có được cách thức gieo vần của thể lục bát một cách đơn giản và dễ hiểu:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
   Hay:
Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh mang quang gánh, em mang nón Trình.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.
(Ca dao)
     Ông còn cho rằng: cách phối thanh trong thơ lục bát thường bắt buộc các tiếng thứ 4 là trắc, các tiếng thứ 2,6,8 phải là bằng. Nhưng trong câu 8 thì hai tiếng thứ 6 và thứ 8 phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau đó phải là không dấu và ngược lại.
Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
(Ca dao)
  Hay:
          Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Có thể xem các ý kiến về thơ lục bát của Nguyễn Xuân Nam trong quyển 'Cơ sở lí luận văn học' như một định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ 'Lục bát là thể thơ cứ một dòng sáu chữ tiếp đến một dòng tám chữ. Thơ dài bao nhiêu cũng được miễn là dừng lại ở dòng tám. Đó là thể thơ quen thuộc của dân tộc. Nhiều câu ca dao, nhiều truyện nôm dân gian, nhiều thơ văn yêu nước và cách mạng viết theo thể này'
Nhìn chung, những khái niệm về thơ lục bát trên đây đã phần nào giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về thể thơ lục bát để từ đó góp phần nhận diện về lục bát một cách sâu sắc và rõ ràng hơn. 



2. Các giai đoạn phát triển thơ lục bát  (theo Tăng Tấn Lộc)

    Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc, xuất phát từ nhân dân nên rất gần gũi với đời sống sinh hoạt và mang đậm bản sắc dân tộc. Lục bát được hình thành và phát triển trong ca dao, dân ca, được thi hào Nguyễn Du nâng tới đỉnh cao qua "Truyện Kiều" và càng trở nên phong phú, đa dạng nhờ những đóng góp của các thế hệ nhà thơ, như: Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Duy … Nhìn lại quá trình phát triển của lục bát từ lục bát ca dao đến lục bát trong văn học hiện đại, có thể chia lục bát thành ba giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Lục bát ca dao.(Lục bát dân gian)
- Giai đoạn 2: Lục bát trung đại.(Lục bát cách luật-Truyện Kiều)
- Giai đoạn 3: Lục bát hiện đại.

2.1. Lục bát ca dao:
  
 Trước "Truyện Kiều", thơ lục bát bắt nguồn từ trong ca dao Việt Nam, thể hiện thành công cả về nội dung lẫn hình thức nghệt thuật, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong văn học dân gian với những câu thơ mang đậm tâm tư, tình cảm của người bình dân vốn chịu thương chịu khó. Đó là những bài hát ru con, những câu hò điệu lý, những lời ngâm vịnh ngân nga mà mọi người vẫn nghe thấy trong sinh hoạt hàng ngày, gắn liền với cuộc sống lao động của người bình dân. Cách gieo vần ở chữ thứ 6 của câu lục với chữ thứ 6 của câu bát, chữ thứ 8 của câu bát với chữ thứ 6 của câu lục tiếp theo và cách ngắt nhịp chẵn đã nói lên những tâm tư tình cảm của người dân, Vì lẽ đó, dân tộc ta có quyền tự hào về thể lục bát:
 Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Bầu ơi ! thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
                                  (Ca dao)
    Với giọng điệu nhẹ nhàng khuyên nhủ, lục bát ca dao đã nói lên bao cung bậc tình cảm yêu thương giữa người với người. Cùng với giọng điệu khuyên nhủ, lục bát ca dao còn có giọng tâm tình kể chuyện, giọng triết lý, giọng hờn dỗi:
 Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
                              (Ca dao)
 Hay:

Cao su đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng khi về bủng beo
                                  (Ca dao)

   Như vậy, ở thể lục bát ta thấy ngôn từ mộc mạc, giản dị được sử dụng nhằm tạo nên sự thanh thoát, êm tai. Bên cạnh đó, tổ hợp hai câu sáu – tám liên tiếp nhau cũng tạo nên một sắc thái riêng lúc trầm lúc bổng như tiếng đàn réo rắc bên tai. Ở lục bát ca dao, ta bắt gặp hầu hết là nhịp chẵn:

Râu tôm /nấu với ruột bầu,
Chồng chan/ vợ húp/ gật đầu/ khen ngon.
                                (Ca dao)

Hôm qua/ tát nước/ đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo/ trên cành hoa sen.
                       (Tát nước đầu đình)

     Tiếp theo sự phát triển của lục bát ca dao là sự phát triển của lục bát trong truyện thơ dân gian như truyện Song Tinh, Hoa Tiên ký. Có thể nói, đến lúc này lục bát đảm nhận vai trò kể chuyện là chính, làm phong phú thêm nền văn học dân gian.
      Tóm lại, lục bát ca dao thời kỳ này đã có nội dung hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, để có được những giá trị hình thức thì còn có những hạn chế, lục bát ca dao sáng tác chủ yếu theo khuôn mẫu định sẵn và được xem là nền móng cho lục bát phát triển mạnh mẽ hơn ở những giai đoạn sau.

2.2. Lục bát trong văn học trung đại:

  Kế thừa truyện thơ lục bát của thế kỷ XVIII, giữa thế kỷ XIX đã xuất hiện hàng loạt truyện thơ lục bát, như: truyện Thạch Sanh, Phạm Tải Cúc Hoa, truyện Phan Trần… được viết theo quy mô hàng trăm, hàng ngàn câu với những quy định nghiêm ngặt về niêm luật, về vần và nhịp điệu. Qua thời gian, lục bát có những bước tiến mới: có sự thay đổi trong cách ngắt nhịp, gieo vần. Điều này được thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu.

    Ở "Truyện Kiều", ta cảm nhận được những gì hài hoà, êm dịu nhất của lục bát ca dao bằng lối ngắt nhịp chẵn và lối gieo vần bằng, tạo cho câu thơ dáng dấp uyển chuyển, cân đối, dễ thuộc và dễ nhớ:
                                   Trăm năm/ trong cõi/ người ta,
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau.
      Trải qua/ một cuộc bể dâu,
Những điều/ trông thấy/ mà đau đớn lòng.

   Thông thường, một tác phẩm văn chương hay phải đạt được hai yêu cầu: có sự đổi mới trong nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, đồng thời phải kế thừa được những nét văn hoá truyền thống của dân tộc. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã đáp ứng được hai yêu cầu đó. Ngoài việc sử dụng những yếu tố của lục bát ca dao, "Truyện Kiều" còn mang đến cho người đọc sự đổi mới đầy sáng tạo. Câu thơ lục bát giờ đây ngoài cách gieo vần bằng và cách ngắt nhịp chẵn còn có cách ngắt nhịp lẻ: câu thơ với nhịp: 3/3, 1/5, 2/1/3, 3/5, 3/3/2, 5/3, v.v… nên linh hoạt và sinh động hơn cùng với cách gieo vần đa dạng có thể thay đổi theo giới hạn cho phép, miễn sao giữ được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, mượt mà thắm thiết riêng có của nó:
                                   - Làn thu thủy/ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh.
- Hỏi tên/ rằng: Mã Giám Sinh,
Hỏi quê/ rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần.
     Mặt khác, so với lục bát ca dao, sự sáng tạo ở "Truyện Kiều" còn thể hiện trong việc đưa vào tác phẩm những từ láy, điệp từ, thành ngữ và cả những lời nói trong sinh hoạt hàng ngày của quần chúng lao động, xoá bỏ hoàn toàn sự đơn điệu và tẻ nhạt, góp phần làm thay đổi lục bát tạo sự hấp dẫn, nhưng không làm mất đi âm điệu vốn có của nó:
        Nghĩ rằng bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng
      Câu thơ của Nguyễn Du càng về sau càng uyển chuyển, đầy nhạc tính, nâng nghệ thuật thơ lục bát dến một giá trị độc đáo, làm nền tảng cho thơ lục bát Việt Nam tiếp tục phát triển đến đỉnh cao rực rỡ.
     Tóm lại, ngoài việc kế thừa nền văn học dân gian, nhất là lục bát ca dao, Nguyễn Du đã có sự sáng tạo, góp phần đưa "Truyện Kiều" lên đỉnh cao thơ lục bát.

    Sau "Truyện Kiều", nền văn học nước nhà còn ghi nhận nhiều tác phẩm có giá trị khác. "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu là một ví dụ điển hình. Những từ ngữ, hình ảnh được nhà thơ sáng tạo và đưa vào sử dụng rất đỗi thân quen, giản dị, dễ hiểu và gần gũi với cuộc sống con người. Trong suốt chiều dài tác phẩm, ta thấy nhiều câu thơ mang dáng dấp văn học dân gian, những yếu tố của ca dao- dân ca được sử dụng rất thành công:
 Xin đừng tham đó bỏ đăng,
Có lê quên lựu, có trăng quên đèn.

Và những câu thơ lấy ý từ ca dao cổ:
Tới đây thì ở lại đây,
Cùng con gái lão sum vầy thất gia.

So với "Truyện Kiều", yếu tố ca dao – dân ca trong "Lục Vân Tiên" được khai thác và sử dụng với tần số lớn hơn, âm điệu câu thơ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn. Bên cạnh đó, những cách xưng tên trong lối bạch, lối tuồng, những bài học nhân quả những triết lý sống không màng danh lợi là những dấu ấn mà lục bát ca dao đã để lại trong tác phẩm.
Mặt khác, tác phẩm cũng có những bước tiến mới. Những lời văn bóng bẩy, trau chuốt hầu như vắng bóng, thay vào đó là những lời nói mộc mạc, dân dã đậm đà phong vị quê hương của người Nam bộ:

Ai ai cũng ở trên đời,
Chính chuyên, trắc nết chết thời cũng ma.
 Chính vì thế tác phẩm đã mang đến cho người đọc sự gần gũi khó quên, man mác tình người, tình nhân loại.
    Đọc tác phẩm, người ta có thể thấy những cảnh đời, những kiếp người, những tư tưởng tình cảm và cuộc sống tinh thần của mình ở đó. Có thể nói, việc sử dụng sáng tạo những từ ngữ, hình ảnh trong ca dao – dân ca đã đưa lục bát tiến thêm một bước tiến mới trong việc hội nhập vào sự phát triển chung của nền văn học Việt Nam giai đoạn trung đại. Rõ ràng, lục bát đã thật sự đi vào lòng người, khẳng định sự lựa chọn của các tác giả là đúng đắn và phù hợp. Lục bát đã có một giá trị cao quý cho đến ngày nay và được nâng lên tầm vóc cao hơn qua các cây bút hiện đại.

2.3. Lục bát trong văn học hiện đại :

Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là thể thơ lục bát - một thể thức thơ ca dân tộc – đã có vị trí xứng đáng của nó trong văn học dân gian, văn học trung đại và thơ ca hiện đại. Điểm qua các tác giả tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại, ta có thể khẳng định một điều rằng "ở đâu cũng có thơ lục bát".
  Ở những mức độ khác nhau, các nhà thơ đã tỏ ra hấp thụ được những cảm xúc và phô diễn lại bằng thể lục bát, cố gắng tìm đến cách xử lý thích hợp trong khi sử dụng thể thơ dân tộc để đạt tới hiệu quả nghệ thuật trong sáng tác thơ ca của mình. Tiêu biểu ở thể loại này có các nhà thơ: Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy…Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một vài nhà thơ trong số rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.

  Có thể nói, trong số những nhà thơ hồi đầu thế kỷ XX - thời kỳ bắt đầu sáng tác bằng chữ quốc ngữ theo mẫu tự La tinh chứ không phải bằng chữ Hán hay chữ Nôm - nổi lên tên tuổi Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) với những vần điệu quả thực đã làm rung động lòng người, đã ăn sâu, thấm khắp giai tầng xã hội và được truyền tụng trong đông đảo tầng lớp nhân dân lao động. Bởi ngoài sự kế thừa văn học dân gian, Tản Đà còn có những bước tiến mới so với ca dao.
  Trước hết, ảnh hưởng của văn học dân gian có thể nói là rất đậm trong thơ lục bát của Tản Đà. "Trong số các nhà thơ cận hiện đại, Tản Đà là nhà thơ được dân gian hoá mạnh và sâu hơn cả". Trong đó phải kể đến ảnh hưởng của các câu hát lý giao duyên theo quy tắc hiệp vần bằng trắc cùng với cách gieo nhịp chẵn và ngôn ngữ đã có trong ca dao như đại từ  ai, mình, ta … rất uyển chuyển và duyên dáng

Ai làm cho khói lên trời,
Cho mưa xuống đất cho người biệt ly.
Ai làm Nam Bắc phân kỳ,
Cho sa hàng lệ đầm đìa tấm thương.

   Bên cạnh việc kế thừa lục bát ca dao, trong thơ lục bát của Tản Đà ta còn bắt gặp những nét mới ở việc sử dụng những từ mới rất đắt nghĩa, giàu giá trị gợi tả, gần gũi với lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt của người bình dân:

Von vót cái cần câu tre,
Để câu ở bến sông Kỳ ta chơi.

   Với từ ngữ không văn hoa, trao chuốt, gọt giũa, ấy thế mà các bài lục bát trên đã ăn sâu vào lòng người đọc. Đó là hình ảnh gợi cảm, mang đậm tính sáng tạo:


Hỡi anh mà đi ô thâm,
Ô nhiễu, ô vóc hay là ô em.
    Và những câu lục bát biến thể giàu âm điệu gây hiệu quả bất ngờ, góp phần đưa lục bát hội nhập vào nền văn học dân tộc:
 Một con sông, ba bảy con sông Đà,
Trăm công nghìn nợ trông vào một em.
Bao giờ sạch nợ giàu thêm,
Để anh đi kéo gỗ lim làm nhà.
Đôi ta trăm tuổi cùng già,
Con tằm khác kén cùng là chung nong.
Chữ đồng tạc núi ghi sông…

     Như vậy, Tản Đà đã xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật độc đáo và cũng là một cống hiến không kém phần quan trọng làm biến chất thơ cổ điển, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ văn học bác học và ngôn ngữ văn học dân gian, sự chuyển hoá các hình thức thức thơ ca cổ điển để cho có chất dân gian sâu đậm từ ngôn ngữ bác học với những luật lệ nghiêm ngặt trở thành ngôn ngữ dân gian thanh thoát, giản dị và phóng túng.

    Sau Tản Đà, giai đoạn 1932-1945, Thơ Mới xuất hiện với hầu hết những bài thơ mang tâm trạng u buồn man mác của số đông công chúng lúc bấy giờ. Nguyễn Bính xuất hiện ở thời khắc đó, ngưới ta biết đến Nguyễn Bính với một hồn thơ lai láng nét đẹp chân quê, thơ ông thường rất mộc mạc, bình dị chứa đựng tình cảm thiết tha sâu lắng. Nguyễn Bính có nhiều sáng tác thành công ở thể lục bát, hình ảnh ca dao – dân ca được vận dụng rất nhiều, nhịp chẵn được phát huy một cách triệt để

Sáng trăng/ chín nửa vườn chè,
Một gian nhà nhỏ/ đi về có nhau.
Vì tằm/ tôi phải/ chạy dâu,
Vì chồng/ tôi phải/ qua cầu đắng cay.
               (Thời trước - Nguyễn Bính )
     Vẫn là những câu lục bát cổ truyền nhưng ở Nguyễn Bính cách sáng tạo biến thể khác nhau khi gieo vần cộng với việc khéo léo dùng những từ ngữ giản dị và cách ngắt nhịp lẻ nhiều đến mức khác thường gây sự hấp dẫn với người đọc:

Từ ngày/ cô đi lấy chồng,
Gớm/ sao có một cánh đồng mà xa.
Bờ vào/ cây bưởi không hoa,
Qua bên nhà/ thấy bên nhà/ vắng teo.
                   (Qua nhà - Nguyễn Bính )
    Như vậy, tuy chịu ảnh hưởng của ca dao nhưng thơ Nguyễn Bính vẫn có một bản sắc riêng: Nguyễn Bính sử dụng thể thơ lục bát một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Sẽ rất cá biệt nếu trong thơ lục bát xuất hiện những nhịp lẻ và sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính đã làm được chuyện đó, ông không bị lẫn với các nhà thơ dân gian là nhờ ở điểm ấy. Có thể nói, thơ lục bát của Nguyễn Bính được sáng tạo trên cái nền của ca dao xưa và phát triển thêm để nâng nó lên tầm cao thời đại .
      Ở một phương diện khác, so với lục bát ca dao, dấu ấn của cái "Tôi"-phong cách cá nhân - được xem như một đòi hỏi không thể thiếu khi các nhà thơ vận dụng thi pháp ca dao để sáng tác. Thực tế đã chứng minh, sau sự vang vọng của thơ lục bát Huy Cận, ít ai được thành công như Nguyễn Duy. Xuất hiện từ năm 1972-1973 khi đang mặc áo lính với: Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Đàn bầu … Nguyễn Duy đã tạo ấn tượng bởi lối suy nghĩ táo bạo, sắc sảo, tinh tế. Tình cảm đậm đà được thể hiện trong hình thức thơ dân tộc giản dị, tự nhiên rất gần các mô tuýp ca dao:

Thôi ta về với mình thôi,
Chân trời dành để chim trời nó bay.
                     (Bài thơ áo trắng )

Cũng giống như các nhà thơ trước đây, Nguyễn Duy dùng nhiều ca dao một cách rất tự nhiên, đúng chỗ, ca dao đọng rất sâu trong thơ ông, tạo nên tiếng nói vừa thắm thiết vừa hồn nhiên, vừa thân thiết gần gũi, vừa mơ hồ xa xăm. Nguyễn Duy sử dụng ca dao nhưng không phải sử dụng một cách hững hờ làm duyên mà thường đẩy đến tận cùng ý tứ, buộc người đọc phải hiểu sâu sắc thêm, chú ý thêm đến một góc hiểu mới. Cũng sử dụng nhiều yếu tố ca dao như Nguyễn Bính nhưng ở Nguyễn Duy có những đột phá, những bước tiến mới. Đó là khi tác giả viết thường ở đầu câu, đó là khi tác giả chia câu lục thành nhiều dòng :

 Tre xanh
Xanh tự bao giờ
chuyện ngày xưa, đã có bờ tre xanh?
                    (Tre Việt Nam )
 Không những thế, kết cấu trùng điệp và ngôn ngữ đậm màu sắc hiện đại được Nguyễn Duy sử dụng rất thành công :
 …Cái lưng em sụm bất ngờ,
Tứ chi anh lỏng thỏng quơ rụng rời.
 Điều đáng chú ý hơn nữa là Nguyễn Duy đã kế thừa việc ngắt nhịp lẻ trong thơ lục bát, nhưng ở ông, nhịp lẻ không phải dùng để diễn tả những cảnh ngộ ngang trái mà được dùng chủ yếu để thể hiện sự khoẻ khoắn, trẻ trung:
                                               -  Thức là ngày/ ngủ là đêm,..
                     
- Vẫn xin em/ chớ làm sao giữa trời.
 Tóm lại, cũng tiếp thu lục bát ca dao nhưng Nguyễn Duy không rập khuôn mà có sáng tạo, bộc lộ bản sắc riêng của mình - ảnh hưởng của ca dao nhưng không bị hoà tan mà trái lại ông càng tỏ rõ tính sáng tạo của mình.
                                                        ***
 Thơ lục bát Việt Nam là một trong những thể thơ mang đậm tính dân tộc, tồn tại từ đời này sang đời khác. Thơ lục bát không giống với bất kỳ thể thơ nào khác bởi ở lục bát người ta có thể vừa cảm nhận được tính truyền thống dân dã, vừa cảm nhận được những nét hiện đại.
   Thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay luôn là phương tiện truyền đạt nội dung tốt nhất, đem lại những giá trị nhận thức, giá trị thẩm mĩ cho con người. Thơ lục bát Việt Nam đã làm được điều đó trong suốt chặng đường từ lục bát ca dao đến lục bát hiện đại.
    Tuỳ từng thời kỳ mà lục bát phát triển nhiều hay ít. Trải qua các thời kỳ có thể nhận thấy lục bát có mặt ở hầu hết các giai đoạn quan trọng, chứng tỏ sức sống bền bỉ cùng thời gian. Trong thể thơ lục bát, thường thì các tác giả sử dụng thi pháp ca dao làm nền tảng. Tuy nhiên, ở mỗi bài thơ, lục bát có thêm một "bộ cánh" mới, hợp thời, hợp với thị hiếu và tư duy người đọc.
Lục bát ca dao chưa có những đặc sắc riêng, nó là những khuôn mẫu, những nền tảng cho lục bát giai đoạn sau phát triển. Lục bát trung đại là sự kế thừa lục bát ca dao đồng thời sáng tạo thêm lối gieo vần, ngắt nhịp. Sau Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính,… nhà thơ Tố Hữu lại nâng lục bát lên thêm một bậc với những âm điệu, ngôn từ, hình tượng phong phú góp thêm cho dòng thơ Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị cao, được người đọc hôm nay và mãi đến sau này yêu thích và mến mộ.
     Có được những thành tựu đó là do lục bát mang những nét đặc sắc nghệ thuật riêng: gần gũi với ca dao – dân ca, ngôn ngữ lời nói đọc lên như là câu hát, lời ru … làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm sinh động và sảng khoái. Khó có một thể thơ nào có được những điểm riêng độc đáo như lục bát. "Bởi vậy, cái âm hưởng lục bát từ bao đời dường như trở thành một âm hưởng ít nhiều mang tính chất tượng trưng cho xóm làng dân dã, cho tâm tình người nông dân Việt Nam". Câu thơ 6/8 mượt mà, êm ái như lời ru cùng với niêm luật chặt chẽ, phối thanh hài hoà, vần vè nhịp nhàng,v,v… là tất cả những nét riêng, độc đáo mà qua lao động, qua sáng tác, người Việt Nam đã tạo dựng được. Bên cạnh đó, "bản thân thơ lục bát là thơ cách luật, nhưng nó lại cho phép linh hoạt chấp nhận mọi sự tìm tòi, sáng tạo về âm luật trong hoạt động sáng tạo nên các bài thơ cụ thể. Mặt khác, khả năng biểu đạt nội dung của nó khá linh hoạt, vừa trung tính vừa có thể chuyên biệt hoá tuỳ thuộc vào những trường hợp vận dụng cụ thể" . Lục bát Việt Nam xứng đáng với danh xưng thể thơ truyền thống của dân tộc là như vây.(Theo Tăng Tấn Lộc)


3.Thơ Lục Bát sẽ đi tới đâu? (theo Ngô Văn Phú)
Bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, đã giữ cho lục Bát có cái vẻ nền nã, tự đổi mới bằng cách tiên tiến, phù hợp với thể tạng sẵn có của thể thơ này! Nhưng còn thời kỹ thuật số, lục bát sẽ ra sao đây?
Lục bát là một thể thơ mang hồn Việt khá đậm và có thể nói thể này là một trong những thể thơ riêng của Việt Nam, được lưu hành cả trong Văn học dân gian và Văn học chính thống cùng với các thể song thất lục bát, thơ hát nói (ca trù), mang đậm tính Việt; cùng như thơ Đường của Trung Hoa và thơ Hai Ku của Nhật Bản v.v...

          Lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Hiện nay, chúng ta có một kho tàng ca dao mà đa phần là lục bát, có tới hàng ngàn, hàng vạn câu, nhiều câu đã vượt thử thách của thời gian. Ca dao cổ, ca dao thời chống Pháp, chống Mỹ... có rất nhiều câu hay, đến nay vẫn được lưu truyền. Nhiều làn điệu hát (dân ca, chèo, hát nói, ca, lý...) cũng đã được vận dụng thơ lục, bát.
           Nhiều tác giả lớn của thi đàn Việt Nam, đều có những bài thơ lục bát sáng giá để đời. Lục bát sáng giá nhất vẫn là Kiều của Nguyễn Du... Đào Duy Từ, Nguyễn Tư Trinh, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, đều có những bài thơ lục bát khá nổi tiếng. Tiếp sau đó là Tản Đà. Thời Thơ mới thì Nguyễn Bính là người viết lục bát nhiều, nhiều bài khá hay như Chân quê, Lỡ bước sang ngang... Ngậm Ngùi của Huy Cận chẳng là lục bát đó ư...! Trong một cuộc thăm dò của giáo sư Hà Minh Đức về phong trào thơ mới, Ngậm ngùi, được vào loại nhiều phiếu, được bình chọn là một trong khoảng hơn một chục bài hay nhất của Thơ mới. Rồi Màu thu năm ngoái của Hồ Dzếnh, Cổng làng của Bàng Bá Lân v.v... cũng đều là lục bát cả...
Nhiều thể thơ trước phong trào Thơ mới như thơ Đường luật, thơ song thất lục bát, thơ hát nói... sang thế kỷ thứ XX và cho đến nay, đã không còn thế mạnh như trước, chỉ được dùng ở một bộ phận người làm thơ song thất lục bát thì hầu như được dùng rất ít. Thơ lục bát trái lại, vẫn được cái thế hệ thơ sau này sử dụng đều đặn, và xem chừng lại còn vận dụng khá sáng tạo. Liên khúc Kính thưa liền chị của Nguyễn Duy sau đây, đã đầy màu sắc hiện đại, từ cấu trúc đến ngôn ngữ.
Kính thưa Thị Nở
Kính thưa Thị Nở tuyệt trần
Trăng ngồn ngộn trắng khỏa thân với người,
Nhớ không sông ộp oạp xuôi
Gió oằn oại, hổn hển trời phù sa.

Kính thưa Thị Mầu
Kính thưa thục nữ Thị Mầu
Yêu siêu cỡ đó trước sau mấy người?
Mấy ai dám chịu, dám chơi
Dám ai vỗ cái mặt đời như em!

Kính thưa Thị Đốp
Kính thưa Thị Đốp đoan trang,
Mõm mom móm mõ gõ khan như gì.
Thôi mà ngúng ngoắng nhau chi!
Già rồi đấy, lấy nhau đi thì vừa!

Kính thưa Thị Kính
Kính thưa Thị Kính láng giềng,
Ái ân thì ít oan khiên thì nhiều.
Dấu xưa khuất nẻo chuông chiều
Nỗi đau còn lủng lẳng treo giữa trời...

          Thơ nghịch ngợm, phá cách cả về nhịp điệu, lối nói, ngôn từ chẳng còn thấy cái êm đềm, ngọt ngào, mượt mà thường thấy của lục bát mà đọc vẫn tìm được cái thú ngụ trong ý, trong lời...
Phạm Quang Đẩu cũng không thích nếu mình trong lối lục bát truyền thống nữa. Anh cũng đem cách nói, cách viết tung tẩy hơn, ở thể loại này:

Trên trời
Có những đám mây
Ở hạ giới cuộc tình đây rất thường
Mây thì côi cút lang thang,
Mây cũng tìm đàng kết lại thành đôi
Vậy mà phút chốc than ôi
Nắng gay gắt, gió tuýt còi cho tan.
Bầu trời bỗng chốc sạch quang
Bầu trời thăm thẳm chẳng màng mê say.

Cuộc tình gió thoảng bay - lắt lay
Cuộc tình mây giỡn đùa - thật nhẹ
Cuộc tình trăng mê say - khuyết mòn
Cuộc tình sao xa hút - héo hon.
Kìa, xem Con Tạo xoay tròn
Tình tang biến đến ngọn nguồn
Lại hiện ra...

Vậy thì lục bát đâu có đứng yên một chỗ!
           Hình như những nhà thơ xuất thân từ chân quê thì cái hồn lục bát cũng vương vấn nhiều hơn các nhà thơ khác. Lê Đình Cánh hầu như chỉ làm thơ lục bát. Nhiều nhà thơ ở Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An, Phú Thọ, Hải Dương cũng hay viết thơ lục bát. Lục bát thời hiện đại đã chuyển tải được những nội dung có tính trí tuệ hơn:
Thời gian như chuyến tốc hành
Mang theo lá đỏ và anh trở về
Tóc xanh vừa lỗi lời thề
Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang
Ngu ngơ chạm phải ao làng,
Sen chưa kịp hái đã tàn trong tay.
Trái đất ơi! Ngược vòng quay
Cho ta nhặt lại cái ngày Đầu tiên
(Bài thơ thời gian - Lê Quốc Hán)

Chất trữ tình, chất thơ, khi được các nhà thơ nhập thần được, thì câu thơ tự nhiên bay bổng:
Vàng dâu nhuộm khắp cây đồi
Xanh đầu thu trải kín trời thẳm xanh
Gió len rất nhẹ trang cành
Như em, thu chiếm lòng anh khi nào...
(Thu - Nguyễn Bao)

Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.
(Chăn trâu đốt lửa - Đồng Đức Bốn)

Có lúc lục bát triết lý thế sự, thời cuộc cũng đến điều:
Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy thành lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi.
Cái gì rồi cũng rụng rơi
Quả trên vườn Cấm, hoa rơi Địa Đàng
Chỉ còn mãi sí thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ.
(Hư vô - Quang Huy)

Khi nhà thơ sẵn một tư duy hiện đại, thì lục bát cũng hiện ra sắc màu hiện đại:
Bỏ trăng gió lại cho đời,
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa.
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma,
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi.
Còn hai con mắt khóc người một con.
(Mắt buồn - Bùi Giáng)
    Vậy là lục bát vẫn đồng hành không chịu thua kém với Thơ mới, với thơ Leo Thang, thơ Tượng Trưng, và gần đây là Thơ Sắp Đặt, thơ Vụt Hiện... Song, bởi cái chất duyên dáng, kín đáo, không ồn ào của lối nghĩ phương Đông, đã giữ cho lục bát có cái vẻ nền nã, tự đổi mới bằng cách tiên tiến, phù hợp với thể tạng sẵn có của thể thơ này! Nhưng còn thời kỹ thuật số, lục bát sẽ ra sao đây? Ai mà nói trước được. Chúng ta cũng cần chờ tài năng của các thế hệ thơ trẻ trong hồi hộp, như trước đây chúng ta đã chờ!

BÙI CÔNG LƯƠNG
(Biên tập tổng hợp)

BÀN VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT

             BÀN VỀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT (BÙI CÔNG LƯƠNG  Biên soạn )

Trước  hết cần phân biệt thơ Đường (Đường thi ) và thơ Đường luật.
Thơ Đường là những bài thơ đã được sáng tác ở thời nhà Đường (Trung Quốc ) ,bao gồm cả thơ theo luật Đường và thơ cổ thể.
Thơ luật Đường là thể thơ Đường cách luật xuất hiện từ đời nhà Đường (Tang), Trung Quốc. Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể  (kim thể ) để đối lập với thơ cổ thể, không theo cách luật ấy,luật không chặt chẽ.
Vì giáo dục, thi cử... đều bằng tiếng Hán, nên từ lâu người Việt Nam đã sáng tác thơ văn bằng tiếng Hán, trong đó có thơ theo luật Đường.
Nguyễn Thuyên là người đầu tiên đưa tiếng Việt vào thơ văn, đặt ra thể thơ Hàn luật, là sự kết hợp thơ Đường luật với các thể thơ dân tộc Việt.
Thể loại thơ này của Việt Nam kéo dài từ thời nhà Trần cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Kể từ phong trào Thơ Mới trở đi, số người trong nước làm luật thi đã bị giảm đi đáng kể.
Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở 5 điều nghiêm khắc sau: Luật, niêm, vần, đối và bố cục. Người Việt Nam cũng tuân thủ hoàn toàn các quy tắc này. Đường luật thất ngôn bát cú (7 chữ, 8 câu )là dạng chuẩn của thể thơ Đường luật.Dưới  đây là những qui tắc chính :
 1.Luật (qui định về bằng trắc trong một câu)
Điều căn bản của luật thơ Đường là đối, đó là hai nguyên tắc đối âm và đối ý. Nghĩa là lần lượt những chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3, ... của câu trên phải đối với các chữ thứ nhất, thứ 2, thứ 3, ... của câu dưới cả về âm và ý. Nhưng làm được như thế thì rất khó, vì vậy người ta quy ước Nhất tam ngũ bất luật (chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần theo luật). Riêng chữ thứ 5 nên ngược thanh với chữ cuối 7.
 Luật thơ Đường căn cứ trên thanh bằng và thanh trắc, và dùng các chữ thứ 2-4-6 và 7 trong một câu thơ để xây dựng luật. Thanh bằng gồm các chữ có dấu huyền hay không dấu; thanh trắc gồm các dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng.
Nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên dùng thanh bằng thì gọi là bài có "luật bằng"; nếu chữ thứ 2 câu đầu dùng thanh trắc thì gọi là bài có "luật trắc". Trong một câu, chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải giống nhau về thanh điệu, và chữ thứ 4 phải khác hai chữ kia. Ví dụ, nếu chữ thứ 2 và 6 là thanh bằng thì chữ thứ 4 phải dùng thanh trắc, hay ngược lại. Nếu một câu thơ Đường mà không theo quy định này thì được gọi "thất luật".
Ví dụ: xét câu "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà" trong bài Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan, có các chữ "tới" (thứ 2) và "xế" (thứ 6) giống nhau vì đều là thanh trắc còn chữ "Ngang" là thanh bằng thì đó là bài thất ngôn bát cú luật trắc.
Luật bằng trắc trong thể Thất ngôn tứ tuyệt và Thất ngôn bát cú có thể nôm na liệt kê như sau, nếu chỉ vần bằng bằng chữ "B", vần trắc bằng chứ "T", những vần không có luật để trống, thì luật trong các chữ thứ 2-4-6-7 có thể viết là:
+ Luật vần bằng(bằng khởi luật-luật bằng) : tiếng  thứ hai câu đầu là bằng.
•        Thất ngôn tứ tuyệt .Ví dụ: Mời trầu của Hồ Xuân Hương
Câu số        Vần  
1                 B                 T                 B       B       Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
2                 T                 B                 T       B       Này của Xuân Hương mới quệt rồi
3                 T                 B                 T       T       Có phải duyên nhau thì thắm lại
4                 B                 T                 B       B       Đừng xanh như lá, bạc như vôi
Chữ thứ1   2        3        4        5        6        7       
•        Thất ngôn bát cú .Ví dụ: Thương vợ của Trần Tế Xương
Câu số                                                         Vần 
1                 B                 T                 B       B       Quanh năm buôn bán ở mom sông
2                 T                 B                 T       B       Nuôi đủ năm con với một chồng
3                 T                 B                 T       T       Lặn lội thân cò khi quãng vắng
4                 B                 T                 B       B       Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
5                 B                 T                 B       T       Một duyên hai nợ âu đành phận
6                 T                 B                 T       B       Năm nắng mười mưa dám quản công.
7                 T                 B                 T       T       Cha mẹ thói đời ăn ở bạc!
8                 B                 T                 B       B       Có chồng hờ hững cũng như không!
Chữ thứ1   2        3        4        5        6        7
+Luật vần trắc (trắc khởi luật-luật trắc) :tiếng thứ hai câu đầu là trắc.         
•        Thất ngôn bát cú .Ví dụ: Nhớ bạn phương trời của Trần Tế Xương
Câu số                                                          Vần
1                 T                 B                 T       B       Ta nhớ người xa cách núi sông
2                 B                 T                 B       B       Người xa, xa lắm nhớ ta không
3                 B                 T                 B       T       Sao đương vui vẻ ra buồn bã!
4                 T                 B                 T       B       Vừa mới quen nhau đã lạ lùng
5                 T                 B                 T       T       Lúc nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng
6                 B                 T                 B       B       Khi riêng, riêng cả đến tình chung
7                 B                 T                 B       T       Tương tư lọ phải là trai gái,
8                 T                 B                 T       B       Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng
Chữ thứ1   2        3        4        5        6        7       
2.Niêm. (qui định về băng trắc trong hai câu )
Hai câu trong một bài thơ Đường giống nhau về luật (thanh )thì được gọi là niêm với nhau" (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ suất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là "thất niêm".
Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:
•        câu 1 niêm với câu 8
•        câu 2 niêm với câu 3
•        câu 4 niêm với câu 5
•        câu 6 niêm với câu 7
Chẳng hạn với luật vần bằng(chữ thứ 2-4-6 ):
                                                        Vần
        Câu thứ   1.       - B - T - B         B
2.       - T - B – T        B
3.       - T - B – T        T
4.       - B - T – B        B
5.       - B - T – B        T
6.       - T - B - T        B
7.       - T - B - T        T
8.       - B - T –B        B
Chữ thứ                       2    4    6
Ví dụ: Xét trong bài thơ Qua đèo Ngang, câu thứ 2 và thứ 3 niêm với nhau:
Cỏ cây chen đáchen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
3.Vần
Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường chuẩn(8 câu ), vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là "vần với nhau". Nếu một bài thơ Đường mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi "thất vận".
Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là "vần chính", những chữ có vần gần giống nhau gọi là "vần thông". Hầu hết thơ Đường dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.
Ví dụ: hai câu 1, 2 trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
hai chữ "tà" và "hoa" được xem là vần với nhau, nhưng ở đây là "vần thông" vì chỉ phát âm gần giống nhau.
4.Đối .
Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải "đối" nhau và hai câu 5, 6 cũng "đối" nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) nhưng bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ. Đối chữ : danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh; trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh...Đối thanh : các thanh cần đối với nhau,bằng đối với trắc và ngược lại. Nếu một bài thơ Đường mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi "thất đối".
Ví dụ: hai câu 3, 4 trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
"Lom khom" đối với "lác đác" (hình thể và số lượng - thực ra hai câu này chưa phải đối hoàn chỉnh), "dưới núi" đối với "bên sông" (vị trí địa hình), song nếu nối hình ảnh hai câu trên "lom khom dưới núi" và "lác đác bên sông" thì vì một câu diễn tả về cảnh động, còn một câu diễn tả về cảnh tĩnh, nên sự đối lập có thể chấp nhận được. Một điểm nên chú ý là cách dùng từ láy âm "lom khom" chỉ dáng người của câu trên, và "lác đác" chỉ số lượng của câu dưới. Hai vế tiếp: "tiều vài chú" đối với "chợ mấy nhà" (đối lập về số lượng và tĩnh/động). Sự đối lập của hai vế cuối có thể coi là hoàn chỉnh. Xin xem thêm về thơ đối hoặc Câu đối Việt Nam để hiểu thêm về luật đối trong thơ.
5.Bố cục
Bố cục một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật theo truyền thống thường được chia gồm 4 phần: Đề, Thực (hoặc Trạng), Luận, Kết. "Đề" gồm 2 câu đầu trong đó câu đầu tiên gọi là câu phá đề, câu thứ 2 gọi là câu thừa đề, chuyển tiếp ý để đi vào phần sau. "Thực" gồm 2 câu tiếp theo, giải thích rõ ý đầu bài. "Luận" gồm 2 câu tiếp theo nữa, bình luận 2 câu thực. "Kết" là 2 câu cuối, kết thúc ý toàn bài, trong đó câu số 7 là câu "thúc" (hay "chuyển") và câu cuối là "hợp".
Thơ thất Ngôn Bát Cú có luật lệ gò bó khó làm nhất nhưng chính điều đó lại được người xưa ưa thích nhất, thường dùng để bày tỏ tình cảm ý chí, ngâm vịnh, xướng họa... Và trong tất cả các kỳ thi xưa đều bắt thí sinh phải làm.
Tại quê hương của Đường thi cũng là nơi mà phong trào tập cổ, sáng tác thơ Đường luật rầm rộ nhất, lý luận thi pháp thơ Đường luật Trung Quốc không có khái niệm Đề, Thực, Luận, Kết mà thay bằng khái niệm đầu liên, hàm liên, cảnh liên, vĩ liên, nói ngắn gọn bằng tổ hợp bốn từ Khởi (khai), Thừa, Chuyển, Hợp. Tuy nhiên cách phân chia này cũng không khác gì cách phân Đề, Thực, Luận, Kết về mặt ý nghĩa.
Một quan niệm khác áp dụng cấu trúc 2-4-2 cho bài thơ thất ngôn bát cú. Theo đó quan niệm này đứng ở góc độ không gian-thời gian nghệ thuật để khảo sát toàn bài dựa theo logic hai câu đầu và hai câu cuối bài thơ Đường luật thường yếu tố thời gian chiếm vị trí chủ đạo, còn bốn câu giữa trật tự không gian là chủ đạo và tác giả dường như dừng lại để quan sát sự vật.
Cũng cần nhắc đến quan điểm “Cảnh-Tình” của Kim Thánh Thán khi chia bài thất ngôn bát cú thành hai phần đều nhau, theo đó bốn câu trên của bài nặng về cảnh và bốn câu dưới nặng về tình.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu có xu hướng không cố tìm quy luật chung về bố cục để áp dụng trong hàng loạt bài thơ mà áp dụng quan điểm nghiên cứu đã có từ thời Minh mạt Thanh sơ ở Trung Hoa, quan điểm bám sát và tuân thủ cách phân chia bố cục của từng bài thơ theo mạch cảm xúc của thi nhân biểu hiện trong bài. Một ví dụ là bài thơ hết sức nổi tiếng Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan hoàn toàn có thể được phân tách theo bố cục 1/7, hoặc bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến có thể bố cục 7/1 hoặc 1/6/1.
      Ngoài ra, còn một  số lỗi dễ mắc phải khi làm thơ Đường luật như: khổ độc, phong yêu, hạc tất ,điệp vận, mạ đề …không quan trọng lắm nhưng nên rút kinh nghiệm để bài thơ hay hơn.
6.Một số dạng thơ Đường luật.
Thất ngôn bát cú là dạng chuẩn của thơ Đường luât . Ba dạng khác cũng xuất phát từ  dạng này nhưng không  bắt buộc phải đối:
-Thất ngôn tứ tuyệt
Thực chất là một bài "thất ngôn bát cú" đem bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối. Luật bằng trắc và niêm, vần... vẫn giữ nguyên, có thể bỏ luật đối ở hai câu 3, 4 hoặc 5, 6. Lúc này nó sẽ thành một bài thơ "bốn câu ba vần" mà Nguyễn Du đã nhắc trong truyện Kiều.
Ví dụ: bài thơ sau của Quách Tấn
Từ buổi thuyền đưa khách thuận dằm
Trông chừng bến cũ biệt mù tăm
Cảm thương chiếc lá bay theo gió
Riêng nhớ tình xưa ghé đến thăm
-Ngũ ngôn tứ tuyệt
Thực chất là bài thất ngôn tứ tuyệt đem bỏ đi hai chữ đầu ở mỗi câu; các chữ còn lại vẫn giữ nguyên luật bằng trắc, niêm và vần. Ví dụ: từ bài trên mà thành:
Thuyền đưa khách thuận dằm
Bến cũ biệt mù tăm
Chiếc lá bay theo gió
Tình xưa ghé đến thăm
-Ngũ ngôn bát cú
Cũng là từ bài thất ngôn bát cú bỏ hai chữ đầu ở mỗi câu mà thành, luật bằng trắc, niêm và vần ở các chữ còn lại vẫn giữ nguyên. 
         Còn nhiều dạng trực thuộc và biến thể của Thơ nôm luật Đường ,các bệnh thường mắc... sẽ bàn vào dịp khác.