BÀN VỀ MỘT SỐ THỂ
THƠ (Tóm tắt)
MỘT SỐ
KHÁI NIỆM CHUNG.
1.Từ,chữ,tiếng.Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm,mỗi
chữ chỉ có một âm tiết,theo truyền thống gọi là tiếng.Một từ gồm
một hoặc nhiều chữ (hoa,quả,hoà bình,ăn nói,bất thình lình,…).Một chữ có hai
cách hiểu: chỉ một chữ cái (a,b,c) cũng gọi là một chữ; nhiều chữ cái ghép lại,
phát âm được cũng gọi là một chữ, khi đọc lên,đó là một tiếng. Chữ chỉ là một hình thái thể hiện của tiếng. Vì thế, trong
một văn bản(văn,thơ ) tiếng Việt nên gọi
là tiếng cho khỏi nhầm lẫn.
Một âm tiết
có thể là một từ đơn (khi nó có nghĩa ). Mỗi âm tiết có thể có 1 đến 5 yếu
tố:âm đầu,âm đệm,âm chính ,âm cuối và dấu thanh,trong đó không thể thiếu âm
chính là nguyên âm.
2.Thanh,còn gọi là thanh điệu ,thể hiện
bằng dấu thanh .Có 2 nhóm thanh:
-Thanh bằng
(bình thanh) gồm thanh ngang (không dấu-phù bình, đoản bình thanh) và thanh
huyền (dấu huyền-trầm bình ,trường bình thanh).
-Thanh trắc
gồm 4 thanh thể hiện bằng các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng.
-Luật biến
thanh của tiếng Việt là: huyền-ngã-nặng, hỏi-sắc- ngang. Ví dụ:ngẩn
ngơ,ngẫn ngờ,xào xạc,xao xác,lạnh lẽo,vất vưởng…
Tiếng Trung Quốc chỉ có 5 thanh : đoản
bình=thanh ngang,trường bình=thanh huyền. Ba thanh trăc là thượng
, khứ , nhập không giống hoàn toàn nhưng phù hợp với nhóm thanh trắc của
ta.
3. Vần. Vần có hai nghĩa:
-Vần trong
cấu tạo của tiếng ,gồm âm đệm,âm chính và
âm cuối,goi là âm vận,vận mẫu hay khuôn vần (anh,oan,uyên…)
-Vần là
hoà kết phần vần giữa các tiếng
trong thơ ca,bao gồm cả âm dầu và thanh
điệu,còn gọi là hiệp vần.
Nêu lây
tiếng cuối câu làm vần thì gọi là vần
chân (cước vận).Nếu lấy một trong những tiếng khác trong câu làm vần thì
gọi là vần lưng (yêu vận ).
4. Nhip .Nhịp thơ là một phần câu thơ gắn
với ngữ nghĩa và có thể ngắt hơi khi đọc,gọi là ngắt nhịp.Nhịp ¾ nghĩa là câu
thơ có 7 tiếng thì ngắt nhịp ở sau tiếng thứ 3. Còn ngữ điệu là thủ pháp khi
đọc , ngâm toàn bài thơ:cao thấp,nhanh chậm,ngắt ngân...
5.Khổ
thơ.Sự kết hợp của
các câu thơ thành từng nhóm,thống nhât
với nhau về vần,nhịp, cú pháp
,ngữ điệu.Các khổ cách nhau bằng một khoảng nghỉ dài.Trong khổ thơ thường chỉ
có một cách hiệp vần.Còn đoạn thơ là tập hợp của những câu thơ biểu thị một ý hoàn chỉnh,không lệ thuộc vào vần ,nhịp, cú pháp,ngữ điệu như khổ
thơ.Một đoạn thơ có thể gồm nhiều khổ thơ.
I.THƠ LỤC BÁT.
Bài thơ lục bát có từ hai câu trở lên. Trong đó cứ hai câu
ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu 6 tiếng (câu lục) và một
câu 8 tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục và câu bát rồi đến cặp câu khác.Thường
két thúc bài bằng câu bát.
1.Luật
thanh trong thơ lục bát .Mỗi câu thơ tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng
thứ 1,3,5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2,4,6 thì phải
theo luật chặt chẽ .
-Tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với
tiếng thứ 8 câu đó, nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là
thanh ngang và ngược lại.
Câu lục:
theo thứ tự tiếng thứ 2-4-6 là
Bằng (b) - Trắc (t) - Bằng
Câu bát:
theo thứ tự tiếng thứ 2-4-6-8 là Bằng(b)- Trắc(t) – Bằng(b)-Bằng(b)
Ví dụ: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân b-t-b
Bâng
khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều b-t-b-b
(Truyện Kiều )
Ngoại lệ :
-Khi câu lục ngắt nhịp ở giữa thì tiếng thứ hai câu đó có thể mang thanh
trắc.Ví dụ:
Mai cốt cách,tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười …
Người nách thước,kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi …
(Truyện Kiều )
Những trường hợp này mà dùng tiểu đối thì
câu thơ uyển chuyển hơn.
- Trường hợp tiếng thứ sáu câu
lục trên vần với tiếng thứ tư (thanh huyền) của câu bát dưới, thường thấy trong
ca dao ,gọi là lục bát biến thể.Ví dụ:
-Con
cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
-Với lục bát dân gian(ca dao) và lục bát hiện
đại thì luật bằng trắc linh hoạt hơn,câu thơ nghe êm tai là được.
-Trong một bài thơ,số câu ngoại
lệ càng ít càng hay.
2. Cách
gieo vần trong thơ lục bát
Thơ lục bát có cách gieo vần khác với nhiều
thể thơ khác. Có cả vần chân và vần lưng.Có nhiều vần được gieo trong bài thơ dài
chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thể lục bát tính linh hoạt về vần.
Cách gieo
vần: Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ sáu (vần lưng) của câu bát kế
nó. Tiếng thứ tám câu bát đó lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục kế tiếp.
Ví dụ: Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn
lòng
(Truyện Kiều)
-Cần tránh phong yêu,điệp vân,tức là
tiếng thứ 6 và tiếng thứ 8 câu bát cùng một vần,mà quá 5 câu mới nên lấy lại
vần đó. Ví dụ:
Trải
qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau cái đầu
3.Cách
ngắt nhịp: Thơ lục
bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, nhưng đôi khi để nhấn mạnh nên
người ta dùng nhịp lẻ là nhịp 3/3.
II. THƠ SONG THẤT LỤC BÁT
Thơ song
thất lục bát là thể thơ có cấu trúc khổ 4 câu
liền nhau, trong đó hai câu 7 tiếng (câu thất 1 và câu thất 2), kế tiếp
là câu lục và câu bát.
Về luật vần
ở câu lục và bát thì hoàn toàn như thơ
lục bát, không đề cập đến. Chỉ đề cập đến hai câu thất. Luât thanh không phải ở
các từ 2-4-6 như thơ Đường luật mà lại áp dụng vào các tiếng 3-5-7.
Câu thất 1:
các tiếng 3-5-7 theo thứ tự là t-b-t
Câu thất 2:
các tiếng 3-5-7 theo thứ tự là b-t-b
Các tiếng
1-2-4-6 tự do về thanh.
Ví dụ: Thưở
trời đất nổi cơn gió bụi t-b-t
Khách má hồng nhiều nỗi
truân chiên b-t-b
Xanh kia thăm thẳm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này
Trống
Tràng Thành lung lay bóng nguyệt
Khói
Cam Tuyền mờ mịt thức mây …
(Chinh phụ ngâm )
Cách
gieo vần rất đa dạng. Không chỉ gieo vần
ở thanh bằng mà ở cả thanh trắc, có cả vần chân và vần lưng,một bài thơ có
nhiều vần, câu nào cũng mang vần.
Tiếng thứ 7
của câu thất 1 (thanh trắc) vần với tiếng thứ 5 (thanh trắc) của câu thất 2.
Tiếng thứ 7 của câu thất 2( thanh bằng) vần với tiếng thứ 6 (thanh bằng) của câu
lục kế tiếp.
Trong bài
thơ dài ,để nối các nhóm câu lại về vần thì ta lấy tiếng thứ 8 thanh bằng của
câu bát vần với tiếng thứ 5 thanh bằng của câu thất 1 kế tiếp (Xem ví dụ trên ).
Cách ngắt
nhịp trong 2 câu thất thường là nhịp lẻ trước, tức là nhịp 3/4 hoăc 3/2/2.
III. THƠ ĐƯỜNG LUẬT (thất ngôn bát cú và tứ tuyệt )
Cần phân biệt: Thơ Đường hay Đường thi là những
bài thơ theo luật Đường đã được sáng tác ở thời nhà Đường (Trung Quốc ).
Còn thơ Đường luật là thể thơ sáng tác theo luật Đường (bằng chữ Hán,Hán-Việt
hay chữ Việt ) ở mọi thời kì.
-Thất
ngôn=7 tiếng,Ngũ ngôn=5 tiếng,bát cú= 8 câu,tứ tuyệt hay tuyệt cú = 4 câu.
-Thể thơ
này thường dùng vần chân là vần bằng.Vân trắc khó làm và cũng ít người làm.
-Thất ngôn bát cú là thể "chuẩn "của thơ Đường luật.4 yêu cầu cơ bản của thể thơ này là Niêm,luật,vần,đối;trong đó Đối là yêu cầu khắt khe,nghiêm chỉnh và khó nhất.Ngoài ra còn các "bệnh" dễ mắc phải như phong yêu,hạc tất,bình đầu,tịnh cước...,khi làm thơ cần tránh.
-Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật bằng, vần bằng. Luật bằng là luật thơ Đường mà tiếng thứ hai câu đầu là thanh bằng, vần bằng ở cuối câu.Ví dụ:
-Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật bằng, vần bằng. Luật bằng là luật thơ Đường mà tiếng thứ hai câu đầu là thanh bằng, vần bằng ở cuối câu.Ví dụ:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Thương vợ -Trần Tế Xương)
- Thất ngôn
bát cú Đường luật làm theo luật trắc ,vần bằng.Luật trắc là luật thơ Đường
mà tiếng thứ hai câu đầu là thanh trắc, vần bằng ở cuối câu.Ví dụ :
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây,
ta với ta.
(Bạn đến
chơi nhà- Nguyễn Khuyến)
-Thất ngôn bát cú Đường luật làm theo luật bằng,vần trắc . Ví
dụ :
Xuôi dòng
Tô lịch bên bờ trái
Đường Láng thảm
hoa liền một dải
Dãy dọc tòa ngang
mấy dặm hoài
Đường thông cầu
nối hai bờ lại
Ngọc Phan,Ngọc
Phách* bậc văn tài
Thái Thịnh ,Thái
Hà* tầm hiện đại
Kinh tế an ninh vững cả hai
Thiên thời địa lợi đều ưu đãi
(Láng Hạ đổi mới- Bùi Công Lương)
1. Về ngắt
nhịp:
Thường ngắt nhịp phối hợp chẵn trước,lẻ
sau : 4/3 hoặc 2/2/3.
2. Về
luật (bằng ,trắc trong mỗi câu ):
Luật bằng
trắc được thể hiện như sau(B- bằng,T- trắc ):
+ Thơ luật bằng vần bằng:
b B t
T t B B
t T b B t T B
t T b B b T T
b B t T t B B
b B t T b B T
t T b B t T B
t T b B b T T
b B t T t B B
+ Thơ luật trắc vần bằng:
t T
b
B t T B
b B t T t B B
b B t T b B T
t T b B t T B
t T b
B b
T T
b B t T
t B B
b
B t T
b B T
t
T b B
t T B
Chú ý: Tiếng thứ 2, 4, 6 (chữ in hoa) buộc
phải theo đúng luật bằng trắc, tiếng thứ 1, 3, 5 (chữ in thường) có thể linh
động: “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”.
3. Về niêm (gắn kết giữa các câu ):
Niêm là sự liên lạc, gắn kết về âm luật của
hai câu thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi chữ thứ 2 của 2
câu cùng là cùng bằng, hoặc là cùng trắc. Những cặp sau đây trong thất ngôn bát
cú Đường luật niêm với nhau: 1-8, 2-3, 4-5, 6-7. Không niêm theo đúng luật gọi
là thất niêm.
Ta
thấy, về cấu trúc : Câu 1,câu 4 và câu 8 giống nhau.
Câu 2 và
câu 6 giống nhau.
Câu 3 và
câu 7 giống nhau.
Câu 5
hoàn toàn khác biệt
4. Về hiệp vần:
Vần chân, độc vận, vào tiếng cuối ở các câu 1,
2, 4, 6, 8.
Nếu 2 câu đầu đối nhau thì tiếng cuối câu thứ
nhất là thanh trắc
5. Nhận xét về bố cục:Từ câu đầu trở xuống,cứ 2 câu gọi là một liên (gồm câu trên và câu dưới )
+ Hai câu đề: câu 1: phá đề, câu 2: thừa đề.
+ Hai câu thực: câu 3 và 4 đối nhau, dùng giải
thích rõ đề.
+ Hai câu luận: câu 5 và 6 đối nhau, dùng bàn
luận về đề.
+ Hai câu kết: câu 7 và 8 tóm tắt ý nghĩa cả
bài.
Hai cặp câu thực và luận có khi theo mạch thơ
mà không phân biệt.
Ghi chú : Thơ thất ngôn, ngũ ngôn tứ tuyệt luật Đường được coi như bài thơ 4 câu được cắt ra từ bài thơ bát cú nên cũng tuân theo luật trên.Việc cắt,xếp phải theo qui tắc : cắt cả liên ( 2 câu ),sắp xếp từ trên xuống.Có thể kết hợp nhiều cách nhưng thông dụng nhất là theo luật 4 câu đầu hoặc 4 câu cuối của bài bát cú. Ví dụ :
-Người hết danh
không hết
Đời còn việc vẫn
còn
Tội gì lo tính quẩn
Lập những cuộc con
con
( Vô
danh )
-Quả
cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương
mới quệt rồi
Có phải duyên nhau
thì thắm lại
Đừng xanh như
lá,bạc như vôi.
(Mời trầu-Hồ Xuân Hương)
IV.THƠ CỔ PHONG (cổ thể )
Đó là một thể thơ của Trung Quốc, có trước thơ
Đường luật,niêm luật không chặt chẽ,giống như thơ tự do của ta.
-Về vần.Bài thơ chỉ cần có vần (bằng
hoặc trắc), có một hay nhiều vần, không cần đối. Một thể riêng là Bách lương đài(như lối liên ngâm) thì dù
bài ngắn hay dài cũng chỉ theo một vần.
-Về câu.Không hạn định số câu nhưng
thường là thể 4 câu, 8 câu hoặc thể hành (trường thiên) nhiều câu,nhiều
khổ. Bài thơ có câu dài,câu ngắn gọi là tạp
thi.
Số tiếng trong mỗi câu có thể là 3,4 đến 8,9
tiếng(trường đoản cú) nhưng thường là 5 tiêng( ngũ ngôn ) hoặc 7
tiếng (thât ngôn).
-Về luật bằng trắc.phải thích ứng với
qui luật âm thanh,phối hợp,xen kẽ bằng trắc cho dễ nghe.
Ví
dụ : -Năm
ngoái ruộng được mùa
Nhà ba bốn cót thóc
Ăn tiêu hãy còn
thừa
Bán cho con đi học
(Khuyết danh )
- Hôm qua có bạn rượu lại
hết
Hôm nay có rượu bạn
không biết
Cất đi đợi bạn đến
lúc nào
Cùng uống cùng vui
trời đất tít
Khi say quên cả ai
là ta
Còn hơn lúc tỉnh
nhớ mà mệt
(Khuyết danh)
V.THƠ 4 TIẾNG , 6 TIẾNG.
A.Luật : Thông
thường các tiếng thứ 2 ,4, 6 nên xen kẽ bằng,trắc. Nhưng nhiều khi cũng có thể
châm chước.
B.Cách gieo vần
Thơ 4 tiếng hoặc thơ 6 tiếng thường dùng vần
chân,có khi kết hợp vần lưng.Có thể gieo vần liền ,vần cách , hoặc vần hỗn hợp.
1. Vần liền . Vần chân
ở 2 câu liền nhau .Thường xen kẽ 2 câu
vần bằng tiếp 2 câu vần trắc.
- Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…
(Trần Đăng Khoa)
Hoàng hôn nối ngày với đêm
Tình yêu nối anh với em
Bức thư nối hai nỗi nhớ
Đứa con nối chồng với vợ
Còn nối sự thật,ước mơ
Nối người với người ,là thơ
(Thái Bá Tân )
2. Vần
cách. Vần chân ở 2 câu cách nhau :
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở thế gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám,úa tàn…
(Trần Nhuận Minh )
3. Vần
hỗn hợp ( kết hợp 2
kiểu trên ) :
-Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi
(Khổng Dương )
4. Vần
lưng.
Nam mô bồ tát
Chẻ lạt
đứt tay
Đi cày trâu húc
Đi xúc phải cọc
Đi học thày đánh
Đi gánh đau vai
Nằm dài nhịn đói
(Đồng dao )
-Một bài
thơ có nhiều khổ thì câu cuối khổ trước nên hiệp vần với câu đầu khổ sau. -Bài thơ cách luật thì chỉ hiệp vần
theo một cách nhất định và nếu chia khổ thì số câu trong một khổ cũng đều nhau.Trường
hợp khác thì mỗi khổ trong một bài (hoặc toàn bài )có thể dùng nhiều cách hiệp
vần khác nhau.
VI. THƠ 5 TIẾNG và THƠ 7 TIẾNG (không phải thơ Đường luật )
Thơ 5 tiếng
hoặc 7 tiếng thường dùng vần chân (bằng hoặc trắc ),hiệp vần theo kiểu vần liền,vần cách hoặc hỗn hợp,đôi khi
có vần lưng. Ví dụ :
1.Vần
liền.Thường xen
kẽ 2 vần bằng tiếp đến 2 vần trắc.
…Cột cờ bên Hoàng Thành
Ba Đình nơi Lăng Bác
Vẫn uy nghiêm trầm mặc
Chào đón khách thập phương
Hoàn Kiếm mờ hơi sương
Cụ rùa lên đón gió
Tháp Bút nay còn đó
Nắn nót
viết lên trời…
(Thăng Long-Hà Nội--Bùi Công Lương) :
-Lửa leo lét bắt đầu nhóm
lửa
Biết bao nhiêu là sự khó khăn
Chỉ đìu hiu một mảnh gió xuân
Cũng bị sợ lửa khi tắt mất
Nghi ngút khói mặc dầu thổi quạt
Che một bên lại tạt một bên
Khi lửa đã chắc chắn bén lên
Thì mưa gió chi chi cũng cháy
Mưa lún phún lửa càng nóng nẩy
Gió càng cao ngọn lửa càng cao
Núi rừng đều bén cháy ào ào
Lửa nung đỏ cả trời nắng toé…
(Xung Phong )
2. Vần
cách.
Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tểnh đi bồi
Ai trói voi bỏ rọ
Đời nào lợn cạo ngôi
Người bảo ông cùng mãi
Ông cùng thế này thôi
(Tú Xương )
-Bảy năm về trước em mười bảy
Anh mới đôi mươi,trẻ nhất làng
Xuân Dục, Đoài Đông,hai cánh lúa
Bữa thì
em tới,bữa anh sang
***
Lối ta đi giữa hai
sườn núi
Đôi ngọn,nên làng
gọi Núi Đôi
Em vẫn đùa
anh :Sao khéo thế
Núi chồng,núi vợ
,đứng song đôi...
( Trích
Núi Đôi-Vũ Cao )
3.Vần
hỗn hợp.
-Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng
khô?
(Tiếng thu-Lưu Trọng Lư)
Thơ cách luật thì toàn bài chỉ theo một kiểu hiệp
vần,nếu chia khổ thì mỗi khổ 4 câu hoặc 8 câu.Trường hợp khác thì có thể châm
chước.Nếu câu cuối khổ trước vần với câu
đầu khổ sau thì kết nối hoàn chỉnh hơn nhưng cũng có thể gây ra đơn điệu.
Đối với thơ 5 tiếng hoặc 7 tiếng, nếu không
muốn gò bó ,chặt chẽ theo luật Đường thì mỗi bài không để 4 câu hay 8 câu. Bài
thơ dài quá 8 câu gọi là thể hành hay trường thiên,có thể
chia thành nhiều khổ, mỗi khổ 4 câu.
VII.THƠ 8 TIẾNG
A.Luật :
Thể thơ này
là sản phẩm của phong trào thơ mới,không
có luật nhất định, có nghĩa là vần điệu tự do hơn. Thường thì trong câu ở cuối
có tiếng trắc thì tiếng 3 trắc, tiếng 5 và 6 bằng; ở cuối có tiếng bằng
thì tiếng 3 bằng, tiếng 5 và 6 trắc. Nhưng cũng có thể châm chước. Ba tiếng
cuối câu không cùng một thanh thì âm điệu hay hơn.
B.Cách
gieo vần. Vần chân
có thể gieo vần liền,vần cách hoặc hỗn hợp.Trong một khổ thơ 4 đén 6 câu chỉ
cần 2 hoặc 3 câu mang vần. Có thể dùng vần lưng.
1. Vần liền
:
Em cứ hẹn
nhưng em đừng đến nhé,
Tôi sẽ trách - cố nhiên - nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...
(Hồ Dzếnh)
Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự...
NHỚ RỪNG (Thế Lữ)
2. Vần cách :
-Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến,toàn diện kháng chiến
Chí ta đã quyết ,lòng ta đã đồng
Tiến lên chiến sĩ,tiến lên đồng bào
Sức ta đã mạnh,người ta đã đông
Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi
Thống nhất độc lập nhất định thành công
(Thơ chúc tết 1947 của
Hồ Chủ tịch )
-Em sẽ chết với mảnh hồn trống đó
Chúa đứng đón em ở cửa thiên đường
Con trả chúa trái tim hồng lãng mạn
Dưới thế gian con dại dột cho chàng
(Trần Mộng Tú)
Muốn cho
thơ tám tiếng giầu âm điệu, người ta còn hiệp vần tiếng 8 câu trên với tiếng 4,
5 hay 6 câu dưới (vần lưng ).Ví dụ:
-Con gái đang thì đã nên con gái
Cái áo em mặc chải chải hoa hồng
Trong yếm dải hồng chuỗi xe con toán
Cái quai dấu chạm em đội trên đầu
Cái nhôi dấu gấp quấn vào đỏ chói
Lỗ miệng
em nói có hai đồng tiền
Như cánh hoa sen giữa ngày mới nở…
(Ca dao )
Trên đây chỉ nói tóm tắt một số thể thơ
thông dụng nhất. Mỗi thể thơ còn có nhiều biến cách , biến thể, biến dạng... khác .
Xin giới thiệu vài bài để các bạn tham khảo.
1. CẢNH XUÂN HỒ TÂY
(Thuận nghịch độc)
Hồ Tây cảnh đẹp sắc xuân sang
Nắng nhạt pha sương giọt óng vàng
Mờ tỏ nước in trời tím biếc
Bổng trầm chuông vọng tiếng ngân vang
Bờ bên
liễu rủ mành theo gió
Mạn giữa thuyền đua sóng nối hàng
Tô điểm
đất trời cùng tuế nguyệt
Đô thành chốn đó cảnh thanh quang
BÙI
CÔNG LƯƠNG
-------------
Bài trên có thể đọc theo 4
cách:
-Đọc xuôi ngược toàn bài
-Bỏ 2 tiếng đầu mỗi
câu,đọc xuôi
-Bỏ 2 tiếng cuối mỗi
câu,đọc ngược
2. DẠI
KHÔN
( Song điệp, nhất vận )
Làm
người có dại mới nên khôn
Chớ
dại ngây si,chớ quá khôn
Khôn
được ích mình,đừng để dại
Dại
thì giữ phận, chớ tranh khôn
Khôn
mà hiểm độc là khôn dại
Dại
vốn hiền lành ấy dại khôn
Chớ
cậy rằng khôn ,khinh kẻ dại
Gặp
thời ,dại cũng hoá nên khôn
(Nguyễn
Bỉnh Khiêm )
3. SỰ ĐỜI
(Song điệp- Nhất vận)
Ai có ngờ đâu cái sự đời
Mà
xem vạn sự ở trên đời
Lo quanh tính quẩn, đời sinh sự
Nghĩ rộng nhìn xa, sự hiểu đời
Đen bạc thói đời tô
vẽ sự
Bể dâu thế sự đổi
thay đời
Đường đời voi chó khi
lâm sự
Ai có ngờ đâu cái sự
đời.
BÙI CÔNG LƯƠNG (
10/2008)
4.NỖI LÒNG NGƯỜI PHỤ NỮ
BỊ
CHỒNG HÀNH HẠ
(Tập Kiều)
Trời làm chi cực bấy trời
Nghìn thu bạc mệnh
một đời tài hoa
Lỡ từ lạc bước
bước ra
Giờ sao tan nát
như hoa giữa đường
Ngày vui ngắn
chẳng tày gang
Dễ dò rốn biển,
khó lường lạch sông
Thôi còn chi nữa mà
mong
Ngày xanh mòn mỏi
má hồng phôi pha
Thương tình con
trẻ cha già
Thôi thì mặt khuất
chẳng thà lòng đau
Còn đường suy nghĩ
trước sau
Thì con người ấy
ai cầu làm chi
Nhớ khi sấm sét
bất kỳ
Ba mươi sáu chước,
chước gì là hơn
Búa rìu bao quản
thân tàn
Phải cung rầy đã
sợ làn cây cong
Lỡ làng nước đục
bụi trong
Rày xem phỏng đã
cầm lòng hay chưa
Những là lần lữa
nắng mưa
Mất công mười mấy
năm thừa ở đây
Liệu mà cao chạy
xa bay...
BÙI CÔNG
LƯƠNG
---------------------------
Tâp Kiều là một lối thơ mà tác giả tập hợp từ những câu
trong Truyện Kiều để làm thành một bài thơ lục bát hoàn chinh theo một chủ đề
tuỳ ý. Qui tắc :
-Không được chọn hai câu liền nhau .
-Giữ nguyên văn câu Kiều, không thêm bớt,chỉnh
sửa.
Trên đây chỉ tóm tắt một số khái niệm chung về một số thể thơ.Sau này soạn giả có thể sẽ bàn chuyên đề về từng thể thơ .
BÙI CÔNG LƯƠNG ( abuicongluong@gmail.com ) biên soạn (tháng 8/2014)